Phiên bản cải biên thời hiện đại Con côi nhà họ Triệu

Sau này, vở kịch Con côi nhà họ Triệu được nhà biên kịch Trung Quốc hiện đại là Mã Kiện Linh cải biên. Vở kịch được Hồ Ngọc và Thế Lữ dịch ra tiếng Việt, nhà xuất bản Sân khấu Việt Nam ấn hành năm 2006

Trong vở Con Côi họ Triệu cải biên, Mã Kiện Linh đã bổ sung thêm một số tình tiết, trình bày trực tiếp bằng hình tượng sân khấu nguyên nhân đẻ ra mối tư thù giữa Đồ Ngạn Cổ và gia đình họ Triệu trong suốt bốn cảnh của màn một, tạo thành thế đấu tranh một mất một còn giữa hai thế lực trung nịnh. Mã Kiện Linh đã phục hồi lại nhiều yếu tố lịch sử mà Kỷ Quân Tường đã xa rời so với chính sử: Công Tôn Chử Cữu được trả về vai là môn khách chứ không phải đồng liêu của họ Triệu, Hàn Quyết không tự vẫn chết mà giữ vai trò trong việc trừ Đồ Ngạn Giả, việc Trình Anh nhận nuôi con côi có tính chủ động hơn như Sử ký đã ghi[10].

Từ vở tạp kịch của Kỷ Quân Tường đến vở cải biên của Mã Kiện Linh là một quá trình kế thừa sáng tạo và được các nhà bình luận sân khấu Trung Quốc đánh giá cao[11].

Vở kịch Con côi họ Triệu cũng được công diễn tại Việt Nam dưới thể loại cải lương, do đạo diễn Trung Kiên dàn dựng.

Các phiên bản kịch sau này còn hư cấu thêm tình tiết khác ở phần kết: Trình Anh nhờ lập công với Đồ Ngạn Cổ, được Ngạn Cổ đón về, đứa bé được Ngạn Cổ làm con nuôi mà không biết đó là giọt máu cuối cùng của họ Triệu. Triệu Vũ lớn lên tuấn tú, giỏi giang và không nghi ngờ người hại chết gia đình mình là cha nuôi mình. Khi đã rõ sự thật, Triệu Vũ liền trả thù, giết chết Đồ Ngạn Cổ[12].